Đại gia trong làng y dược thế giới

Trên 2 tỷ USD là giá trị tài sản của 5 nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề y học. Tại nước Mỹ, khoa học nghiên cứu về con người và những vấn đề liên quan đến sức khỏe, bệnh tật đang là “con gà đẻ trứng vàng” và ngày càng có giá.

Tạp chí “Genetic Engineering News” hàng năm vẫn công bố danh sách những nhà khoa học trở thành tỷ phú. Trong top 100 vị trí đầu tiên của bảng danh sách năm 2012 (có tài sản tổng cộng ước tính 5 tỷ USD), có tới 97% tỷ phú tối thiểu có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực sinh học hoặc y học. Giàu nhất là Lindsay Rosenwald (tài sản riêng trị giá 617 triệu USD). Ông này hiện đang là chủ nhân của nhiều hãng kinh doanh mà một trong số đó là Avax Technologies - nơi cho ra đời một loại vaccin chống ung thư mang tên Mvax hiện đang được triển khai sản xuất đại trà ở Australia.





Robert Langer thu hàng trăm triệu USD từ hơn 400 bằng sáng chế độc quyền.

 

Tỷ phú khác trong danh sách đó là một nhà khoa học kiêm doanh nhân tài ba: GS. William Haseltine, người sáng lập Trung tâm khoa học gen người Human Genomo Science. Ông được xếp thứ 10 trong bảng các tỷ phú (tài sản riêng 142 triệu USD). Từ lâu, vị giáo sư này đã tập trung nghiên cứu các thành phần cấu thành ADN chịu trách nhiệm về các bệnh di truyền. Ông cũng ứng dụng các nghiên cứu của mình để sản xuất các loại tân dược tác động vào hệ gen. Điều đó đã mang lại cho Haseltine những khoản thu nhập kếch xù!

Đứng ngay sau William Haseltine là Samuel Waksal (vị trí 11, tài sản ước tính 122 triệu USD), cũng là một chuyên gia công nghệ sinh học và sinh học dược khoa. Số tiền mà nhà khoa học này kiếm được chủ yếu là từ việc hợp tác và bán kết quả nghiên cứu độc quyền cho những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới như Merck, Aventis, Glaxo-SmithKline.

Một nhân vật nổi tiếng khác: Graig Venter - ông chủ sáng lập của hãng Celer Genomics, người giành vị trí đầu tiên trong cuộc đua tìm ra bản đồ gen của con người cũng là nhân vật từng được đứng vào hàng thứ 27 của danh sách tỷ phú này với 37 triệu USD tài sản riêng. Hiện nay, với việc ứng dụng và thử nghiệm các nghiên cứu từ bản đồ gen người nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm dùng ngay, trong đó có các loại thuốc và vaccin chống ung thư, hãng Celer Genomics cũng đạt được doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Đổi đời không chỉ nhờ tài năng

Nói về việc đổi đời nhanh chóng chỉ từ một phát minh khoa học, có lẽ phải kể đến nhà dược học Barry Coller. Barry Coller thuộc Đại học New York chuyên nghiên cứu huyết học. Ông là người đã chế tạo ra loại biệt dược ngăn cản hiện tượng đông máu sau phẫu thuật mạch máu. Năm 1997, Barry Coller đã bán độc quyền sản xuất loại thuốc aspirin siêu hạng này cho hãng công nghệ sinh học Contencon. Chỉ một năm sau đó, doanh thu từ khoản bán thần dược mang tên reoPro này đã đạt tới 254 triệu USD, lợi nhuận chiếm 28% số tiền đó. Barry Coller được hưởng 6,5 triệu USD. Đến năm thứ 2, doanh số bán aspirin tăng xấp xỉ 3 lần, nên thu nhập của Barry Coller cũng tăng lên gần 20 triệu USD mỗi năm. Ông đổi đời một cách nhanh chóng chỉ trong vòng vài năm nhờ phát minh aspirin siêu hạng!

Tương tự, Rober Holton, giáo sư hóa học hữu cơ thuộc Đại học bang Florida, người nổi tiếng với công trình nghiên cứu liên quan đến sự tổng hợp hóa học cho hợp chất taxol - một loại thuốc chống ung thư đang được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả cao. Chỉ riêng với việc tìm ra cách tổng hợp loại thuốc chữa ung thư này đã ngay lập tức mang lại lợi nhuận không thua kém Barry Coller trong cả một năm bởi sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, công nghệ bào chế và sản xuất taxol đã được bán cho một tập đoàn dược phẩm với giá 30 triệu USD. Và Rober Holton ngay lập tức trở thành nhà khoa học tỷ phú!

Tuy nhiên, sự giàu có nhanh chóng của các nhà khoa học nhờ bán bản quyền phát minh thực hiện tại các trường đại học lại đang khơi dậy nỗi lo lắng trong chính phủ các nước cũng như những tác giả của Luật bảo hộ Boyh-Dole. Những cơ quan nhà nước liên bang như Quỹ Khoa học Quốc gia hay Viện Nghiên cứu sức khỏe Quốc gia đã cấp hàng tỷ USD cho các chương trình nghiên cứu. Thế nhưng, khi có thành tựu thì các cơ quan này chỉ được nhận số tiền rất nhỏ từ khoản bán công nghệ đã đăng ký bản quyền thông qua các nhà khoa học. Ví dụ, Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ đã chi một tỷ USD cho công trình nghiên cứu điều chế thuốc và vaccin, song chỉ thu về được vẻn vẹn 30 triệu USD. Số lợi nhuận khổng lồ còn lại chạy vào túi riêng các nhà khoa học và các hãng kinh doanh. Điều này vô hình chung đã khiến các quỹ nghiên cứu quốc gia bị “chảy máu”, hình thành làn sóng sử dụng của công tạo ra lợi ích riêng trong giới khoa học và là nguyên nhân dẫn tới những tranh chấp, kiện tụng về đầu tư và bản quyền nghiên cứu!

  Trung Kiên (Theo Medicine News)